Estrogen là một hormone quan trọng đối với sức khỏe của nữ giới và cả nam giới. Tình trạng thừa estrogen, hay còn gọi là estrogen cao, có thể gây ra nhiều bất thường về sức khỏe thể chất, cũng như tinh thần. Từ đó gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người bệnh. Vậy thừa estrogen là gì? Nguyên nhân và cách điều trị như thế nào? Mời bạn cùng Bác sĩ Nguyễn Vũ Nhật Phong tìm hiểu chi tiết về tình trạng này qua bài viết sau đây nhé!
Tổng quan về tình trạng estrogen cao
Estrogen là gì?
Estrogen là một loại hormone đóng nhiều vai trò quan trọng trong cơ thể người. Chúng có liên quan đến sức khỏe tim mạch – chuyển hóa, xương, thần kinh. Và đặc biệt là sức khỏe sinh sản ở cả hai giới.
Dù thường được coi là hormone sinh dục ở nữ. Nhưng estrogen cũng hiện diện ở nam giới với nồng độ thấp hơn nhiều so với nữ. Ở nữ, cùng với progesterone, estrogen giúp tạo ra một chu kỳ kinh nguyệt ổn định và quyết định các chức năng sinh sản khác.
Estrogen tồn tại dưới 3 dạng chính trong cơ thể:1
- Estrone (E1) là dạng estrogen chính mà cơ thể người phụ nữ sản xuất sau khi mãn kinh.
- Estradiol (E2) là dạng estrogen chính mà cơ thể sản sinh trong lứa tuổi sinh sản. Đây cũng là dạng có tác dụng mạnh nhất trong 3 loại.
- Estriol (E3) là dạng estrogen chính mà cơ thể sản sinh khi mang thai.
Thừa estrogen (estrogen cao) là gì?1 2
Estrogen có thể tăng giảm trong vài tình huống nhất định. Tuy nhiên, đó sẽ là một vấn đề đáng lưu tâm khi estrogen tăng kéo dài trong máu. Khi tỉ lệ estrogen so với progesterone ở nữ, và so với testosterone ở nam tăng cao. Tình trạng này được gọi là thừa estrogen.
Estrogen trong máu cao có thể gây ra các triệu chứng trên hệ sinh dục, vú, da, lông, tóc, cơ xương, hệ tim mạch, nội tiết, tâm thần kinh ở cả nam và nữ. Vấn đề này về lâu dài nếu không được giải quyết có thể gây ra các bệnh lý nguy hiểm như: tăng huyết áp, thuyên tắc huyết khối, bệnh lý ác tính…
Nguyên nhân gây thừa estrogen
Các nguyên nhân gây thừa estrogen
Nguyên nhân gây thừa estrogen có thể chia làm 3 nhóm:2
- Sự sản xuất estrogen quá mức của cơ thể. Ví dụ: u vùng hạ đồi tuyến yên gây tăng kích thích tiết estrogen, u buồng trứng hoặc u thượng thận tiết estrogen (tình trạng này hiếm gặp), hoặc do sử dụng estrogen ngoại sinh (thuốc) quá liều.
- Rối loạn chuyển hóa estrogen trong cơ thể. Ví dụ, uống quá nhiều rượu có thể làm giảm khả năng chuyển hóa hormone này trong cơ thể. Hay có thể hiểu estrogen không được chuyển thành chất có hoạt tính có lợi cho cơ thể.
- Rối loạn bài tiết estrogen. Ví dụ, khi gan hoạt động kém hiệu quả có thể làm giảm khả năng chuyển hóa và loại trừ estrogen dư thừa ra khỏi cơ thể.
Bất cứ nhóm nguyên nhân nào kể trên cũng có thể gây ra sự mất cân bằng hormone.
Ngoài ra, khi cơ thể có bệnh lý; hoặc do dùng thuốc gây giảm sản xuất progesterone ở nữ và testosterone ở nam, tạo ra sự tăng tương đối của estrogen so với hai loại hormone này. Đây được gọi là tình trạng thừa estrogen tương đối, hay còn gọi là estrogen ưu thế (Estrogen dominance).
Yếu tố nguy cơ
Người ta ghi nhận có nhiều yếu tố có thể góp phần vào tình trạng thừa estrogen như:1 2
Béo phì
Thừa cân, béo phì có thể dẫn đến tăng hàm lượng estrogen trong máu, do các mô mỡ sản xuất ra estrone.
Ngoài ra, béo phì dẫn đến hội chứng chuyển hóa và gây nên tình trạng đề kháng insulin. Tình trạng này làm tăng chuyển androgen thành estrogen do tăng hoạt tính men aromatase, làm giảm protein gắn kết với hormone sinh dục. Từ đó làm tăng nồng độ estrogen tự do trong máu.
Hơn thế nữa, béo phì hoặc đề kháng insulin cũng làm tăng sản xuất các chất trung gian gây viêm. Các chất này có khả năng góp phần vào các bệnh lý liên quan với estrogen, như u xơ tử cung.
Stress (căng thẳng)
Stress làm cơ thể tăng tiết cortisol máu. Khi cortisol máu tăng kéo dài, hormone này làm giảm progesterone trong máu và gây ra thừa estrogen tương đối.
Tiêu thụ đồ uống có cồn
Việc uống quá nhiều đồ uống có cồn như rượu bia, có thể làm tăng quá mức nồng độ estradiol trong máu, và làm cho cơ thể khó chuyển hóa estrogen hơn.
Rối loạn hệ khuẩn ruột
Rối loạn hệ khuẩn ruột xảy ra khi cơ thể có quá nhiều các sinh vật gây hại, hoặc không đủ các loại vi khuẩn có lợi trong ruột già. Một số loại vi khuẩn đường ruột có thể làm giảm khả năng loại bỏ lượng estrogen dư thừa trong cơ thể. Từ đó dẫn đến tăng nồng độ estrogen trong máu.
Xem thêm: Bạn nên biết gì về tình trạng phát triển quá mức của vi khuẩn đường ruột?
Tiếp xúc với chất xenoestrogen
Những chất hóa học xenoestrogen có hoạt tính tương tự estrogen. Hay nói nôm na chúng có thể bắt chước tác động của estrogen nếu được hấp thu vào trong cơ thể.
Ví dụ, chúng ta có thể kể đến Bisphenol A (BPA) và Phthalates, hiện diện trong một số loại nhựa gia dụng hằng ngày. Phthalates còn có trong một số sản phẩm chăm sóc cá nhân như xà bông, dầu gội…
Thuốc
Một số loại thuốc có thể gây tăng nồng độ estrogen hoặc ức chế nồng độ progesterone hay testosterone trong máu. Ví dụ:
- Sử dụng estrogen ngoại sinh ở người mãn kinh, thuốc ngừa thai.
- Thuốc có tác dụng kháng Androgen (spironolactone, fetoconazole, finasteride, tinh dầu lavender…), các loại thuốc hướng thần, kháng sinh, thuốc gây nghiện (heroin, marijuana, thuốc lắc…) đều có thể gây ra tình trạng thừa estrogen tương đối.
Một số bệnh lý liên quan
Một số tình trạng, bệnh lý có thể liên quan hoặc dẫn đến thừa estrogen tương đối như:
Triệu chứng thừa estrogen
Thừa estrogen gây ra các triệu chứng khác nhau ở nam và nữ:2 3 4
Ở nam giới
Một số triệu chứng của tình trạng estrogen cao, bao gồm:
Ở nữ giới
Trước dậy thì
Nếu nguyên nhân từ hệ thần kinh trung ương (khối u vùng hạ đồi – tuyến yên, não úng thủy, di chứng áp xe não…) có thể gây dậy thì sớm.
Nếu nguyên nhân từ u buồng trứng, hay u thượng thận tăng tiết estrogen có thể gây giả dậy thì sớm. Nguyên nhân là do nồng độ estrogen cao trong máu gây ra các đặc tính sinh dục thứ phát ở nữ, dù không có kích thích từ vùng hạ đồi – tuyến yên (trong dậy thì bình thường).
Trong độ tuổi sinh sản
- Tăng estrogen có biểu hiện bằng rong kinh xen kẽ với vô kinh, đau vú và có thể có bệnh lý vú nặng hay nhẹ (u nang tuyến vú).
- Tăng thể trọng, tích mỡ vùng eo hông.
- Triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt (Premenstrual Syndrome) nặng hơn bình thường.
- Nguy cơ đái tháo đường thai kỳ. Trong một nghiên cứu tại Hàn Quốc năm 2017, các nhà khoa học tìm thấy mối liên quan giữa việc tăng nồng độ estriol tự do (một loại estrogen) với nguy cơ đái tháo đường thai kỳ khi mang thai.5
- Xuất hiện mụn.
- U xơ tử cung.
- Tăng sản nội mạc tử cung.
- Giảm ham muốn tình dục.
Sau mãn kinh
- Triệu chứng báo động là xuất huyết âm đạo bất thường.
- Dấu hiệu của tăng estrogen bất thường ở âm đạo: tăng sản nội mạc tử cung – âm đạo (niêm mạc âm đạo ở lứa tuổi sau mãn kinh thường teo).
Các triệu chứng khác (ở cả 2 giới)
Các biến chứng của tình trạng thừa estrogen
Thừa estrogen kéo dài có thể tăng nguy cơ gặp các biến chứng nguy hiểm sau:6
Người bị thừa estrogen khi nào nên đến khám bác sĩ?
Khi có các triệu chứng nghi ngờ thừa estrogen, bạn nên đến khám tại phòng khám Nội tiết hoặc Sản phụ khoa để được chẩn đoán, tìm nguyên nhân và tư vấn điều trị khi cần thiết. Điều trị thừa estrogen và nguyên nhân của nó rất quan trọng. Điều này giúp bạn giảm các triệu chứng khó chịu và tránh các biến chứng nguy hiểm của bệnh.
Chẩn đoán thừa estrogen
Các phương pháp chẩn đoán
Chẩn đoán có thể chỉ cần dựa vào hỏi bệnh và thăm khám lâm sàng (nhất là ở nữ).
Ngoài ra, để xác định chẩn đoán, bác sĩ có thể yêu cầu làm thêm một số xét nghiệm để đo estrogen (chủ yếu là estradiol), testosterone, hoặc progesterone trong máu hoặc nước tiểu và các xét nghiệm, hình ảnh học khác tùy theo định hướng chẩn đoán.2 3
Nồng độ estrogen trong máu có thể thay đổi tùy vào lứa tuổi, giai đoạn trong chu kỳ kinh nguyệt, giới tính của từng người. Vì vậy, cần tham khảo với ngưỡng giá trị bình thường của phòng xét nghiệm và xác định ngày của chu kỳ kinh nguyệt bản thân, để biết chính xác cơ thể có bị thừa estrogen hay không. Sau đây là các giá trị tham khảo:7
Trẻ dưới 10 tuổi | Nam giới trưởng thành | Nữ giới trưởng thành | |
Estradiol máu (pg/mL) | < 15 pg/mL | 10 – 50 pg/mL |
|
Estradiol/nước tiểu 24h (mcg/24h) | 0 – 6 mcg/24h | 0 – 6 mcg/24h |
|
Lưu ý khi thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán
Trước khi xét nghiệm, bệnh nhân cần thông báo với bác sĩ những loại thuốc đang sử dụng (ngưng nếu cần thiết) để tránh làm sai lệch kết quả.
Xét nghiệm các hormone sinh dục nên được thực hiện buổi sáng, bệnh nhân không đang có bệnh lý cấp tính, stress. Bệnh nhân không cần thiết phải nhịn ăn trước khi làm xét nghiệm.
Khi đã xác nhận rằng có tình trạng thừa estrogen trong máu, bác sĩ có thể sẽ chỉ định làm thêm một số xét nghiệm; hoặc thăm dò hình ảnh khác để tìm nguyên nhân gây bệnh. Bác sĩ cũng có thể sẽ yêu cầu xét nghiệm lại các hormone cần thiết để theo dõi tình trạng bệnh hoặc đáp ứng với điều trị.
Cách điều trị thừa estrogen
Cách điều trị tình trạng này phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh:
Estrogen cao do thuốc
Nếu nguyên nhân gây tình trạng estrogen cao là do thuốc hoặc thực phẩm chức năng bổ sung, bác sĩ có thể sẽ tư vấn cho bạn ngưng thuốc hay giảm liều thuốc hoặc thay thế bằng thuốc khác nếu có thể. Bạn không nên tự ý thay đổi liều thuốc hoặc ngưng thuốc khi chưa hỏi ý kiến bác sĩ.2
Estrogen cao do các tình trạng, bệnh lý liên quan
Nếu nguyên nhân là do u buồng trứng hoặc u thượng thận tiết estrogen, người bệnh cần phải được phẫu thuật cắt bỏ khối u nếu có thể, đây là phương pháp điều trị tiệt căn hiệu quả nhất.4
Trường hợp thừa estrogen gây dậy thì sớm, bác sĩ có thể sẽ tư vấn sử dụng các thuốc kháng hormone hướng sinh dục. Ví dụ như thuốc analog của LHRH (zoladex), các chất này khi vào cơ thể sẽ tranh chấp với LHRH nội sinh tại thụ thể của nó, làm giảm kích thích tiết FSH và LH tại tuyến yên. Từ đó làm giảm nồng độ estrogen máu. Chất này cũng có thể được dùng trong trường hợp estrogen máu cao, làm trầm trọng hơn các triệu chứng đe dọa tính mạng trong ung thư vú di căn.2 8
Nếu bệnh nhân có khối u ác tính nhạy cảm với estrogen, tình trạng thừa estrogen có thể làm cho khối u tiến triển nhanh hơn. Bác sĩ có thể chỉ định thuốc để ngăn tế bào ung thư gắn kết với estrogen (thường là tamoxifen). Hoặc thay vào đó, bác sĩ cũng có thể kê thuốc ức chế aromatase. Nhóm thuốc này ngăn chặn cơ chế chuyển androgen thành estrogen của enzym aromatase, bao gồm:3
- Anastrozole (arimidex).
- Exemestane (aromasin).
- Letrozole (femara).
Nếu bạn có nguy cơ rất cao tiến triển ung thư vú hay ung thư buồng trứng, trong bối cảnh thừa estrogen, bác sĩ có thể cân nhắc khuyến cáo bạn nên cắt buồng trứng hoặc xạ trị để gây bất hoạt buồng trứng (nguồn tiết estrogen ở nữ) ở các tình huống sau:9
- Tiền căn trong gia đình nhiều người bị ung thư vú hay buồng trứng.
- Xét nghiệm dương tính với đột biến gen BRCA1 và BRCA2 (đột biến gen gây ung thư vú hoặc buồng trứng).
- Xét nghiệm dương tính với một số đột biến gen khác có liên quan đến nguy cơ cao gây ung thư.
Theo Viện nghiên cứu ung thư quốc gia Hoa Kỳ (National Cancer Institute), việc cắt cả 2 bên buồng trứng ở các bệnh nhân nguy cơ rất cao trên có thể giảm nguy cơ ung thư vú đến 50%.9
Estrogen cao do cơ thể giảm sản sinh các hormone khác
Trong trường hợp thừa estrogen tương đối ở nữ do thiếu progesterone, hoặc ở nam do thiếu testosterone, bác sĩ có thể chỉ định cho bạn liệu pháp hormone thay thế với progesterone hoặc testosterone bổ sung.4
Phòng ngừa và hỗ trợ điều trị estrogen cao
Nếu thừa estrogen không do nguyên nhân bệnh lý gì đặc biệt, hoặc để phòng ngừa tình trạng estrogen máu cao, bạn có thể thử các biện pháp sau tại nhà:1
Xây dựng chế độ sinh hoạt, luyện tập và nghỉ ngơi phù hợp
Tập luyện thể dục thường xuyên và giảm cân. Giữ chỉ số BMI ở mức bình thường (dưới 23 kg/m2 đối với người châu Á. Hoặc dưới 25 kg/m2 đối với dân số chung khác. Cân nặng bình thường giúp và giảm mỡ toàn thân. Từ đó giúp phòng ngừa hội chứng chuyển hóa, tình trạng đề kháng insulin – các yếu tố nguy cơ có thể gây thừa estrogen.
- Duy trì tập luyện ít nhất 30 phút/ngày và không ngưng quá 2 ngày liên tiếp.
- Thiết lập chế độ ăn uống giảm calo nhập vào.
Hạn chế stress trong đời sống hằng ngày. Bạn có thể tham gia các khóa học đối phó với stress trong cuộc sống, các bài tập thiền, thư giãn.
Bên cạnh đó, cần hạn chế hoặc ngưng tiêu thụ thức uống có cồn.
Tránh dùng các chất gây nghiện.
Tránh tiếp xúc với chất xenoestrogens, thường có trong các sản phẩm nhựa gia dụng hằng ngày.
Xem thêm: 11 cách giảm stress giúp bạn bảo vệ sức khỏe tinh thần!
Xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp
Bên cạnh việc xây dựng lối sống lành mạnh, thì việc thực hiện chế độ dinh dưỡng phù hợp cũng rất cần thiết. Điều này giúp phòng ngừa và hỗ trợ điều trị tình trạng estrogen cao. Trong đó, chế độ ăn nên có các thực phẩm chứa nhiều chất kháng viêm, giảm oxy hóa như:
- Các loại thực phẩm chứa nhiều acid béo omega-3 như cá thu, cá hồi, cá chẽm, hàu, rong biển, tảo, bơ, trứng, sữa,…;10
- Trái cây như trái việt quất, mâm xôi, dâu tây, cherry;
- Các loại rau củ như rau chân vịt, cà chua, cà tím;
- Các loại đậu, hạt như hạt chia, hạt óc chó, hạt lanh,…;10
- Dầu oliu;
- Hành tây, nghệ, gừng;
- Uống trà xanh.
- Hoặc bạn cũng có thể sử dụng các viên bổ sung omega-3 nếu không có điều kiện ăn đủ các loại thực phẩm trên hàng ngày.
Người bệnh cũng có thể bổ sung các loại thực phẩm chứa isoflavones như đậu nành, hạt lanh, đậu xanh, đậu cô ve… Giúp tăng chuyển hóa estrogen thành 2-hydroyestrone (dạng không có hoạt tính).
Bên cạnh đó, việc ăn nhiều các loại rau họ cải, chẳng hạn như bông cải xanh và cải xoăn, sẽ giúp tăng thải estrogen qua đường tiêu hóa.
Ngoài ra, bạn cũng có thể củng cố hệ khuẩn ruột có lợi, bằng cách dùng các loại thực phẩm phù hợp. Bao gồm: cải bắp, tương miso, đậu nành, dưa muối chua, sữa chua, nấm sữa Kefir, nấm thủy sâm Kombucha. Hoặc hỏi ý kiến bác sĩ về việc dùng thuốc bổ sung probiotic.11
Đặc biệt, người bệnh nên tránh sử dụng các loại thảo dược tự nhiên, hay phương thuốc chứa chất gây tăng estrogen máu như: tinh dầu hoa anh thảo, cây mao lương, đương quy…12 13 14
Trên đây là những thông tin về tình trạng thừa estrogen, hay còn được nhiều người gọi là estrogen cao. Có thể thấy, nồng độ estrogen cao có thể gây ra các triệu chứng gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, cũng như tinh thần của cả nam giới và nữ giới. Nếu không điều trị, về lâu dài chúng có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, nếu có những triệu chứng bất thường về sức khỏe, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám, chẩn đoán và đưa ra các phương án điều trị tối ưu.
Credit: Source link